Vai trò của Đông Tấn Ngũ Hồ thập lục quốc

Bắc phạt

Đông Tấn dù phải nép xuống phía nam, nhưng nếu so tiềm lực với các nước Ngũ Hồ bị chia cắt ở phía bắc thì cũng là một nước lớn. Tuy nhiên, nội bộ Đông Tấn luôn ẩn chứa mâu thuẫn giữa các họ tộc nắm quyền trong triều. Họ Tư Mã làm vua chỉ có hư vị, quyền hành trong tay các chi họ quý tộc lớn, một số ở Giang Nam, một số di cư từ phương bắc xuống.

Tổ Địch

Bài chi tiết: Tổ Địch

Khi nhà Tây Tấn mới mất, nhiều thành trì phía bắc vẫn trong tay các tướng trung thành với nhà Tấn. phía nam, một bộ phận tướng lĩnh, điển hình là Tổ Địch, rất tha thiết phối hợp với các tướng phía bắc tiến hành bắc phạt để thu phục Trung Nguyên.

Nhưng vua Đông Tấn và đại đa số các địa chủ miền nam không muốn chiến tranh, do đó không cấp quân và vũ khí, chỉ cho Tổ Địch một ít lương thực. Tổ Địch vượt Trường Giang đến lưu vực Hoài Hà, tự tổ chức chế tạo vũ khí và mộ quân.

Trong vòng 7-8 năm từ năm 323, quân Tổ Địch tấn công vào quân Hậu Triệu của Thạch Lặc, giành lại khá nhiều đất đai. Nhưng các đại thần nhà Đông Tấn sợ chiến thắng ngoài mặt trận sẽ khiến uy thế của ông quá lớn nên tìm cách kìm chế ông. Những hành động đơn lẻ của Tổ Địch dần dần bị cô lập, yếu đi và không mang lại kết quả lớn. Quân Ngũ Hồ thừa cơ phản công giành lại đất đai. Ông buồn rầu qua đời.

Không lâu sau đó các tướng phía bắc như Vương Tuấn, Lưu Côn, Lý Củ lần lượt bị quân Ngũ Hồ đánh bại, miền bắc mất hoàn toàn.

Hoàn Ôn

Bài chi tiết: Hoàn Ôn

Tuy không thành công, nhưng ý chí chống Ngũ Hồ của Tổ Địch, Lưu Côn đã trở thành những tấm gương cho tướng sĩ thế hệ sau các ông noi theo.[5]

Sau Tổ Địch, một thời gian dài Đông Tấn cố thủ ở miền nam không phát binh đánh miền bắc. Mãi tới khi Hoàn Ôn cầm quyền trong triều, việc bắc phạt mới được chú trọng. Là người có tài và quyết đoán, Hoàn Ôn tổ chức quân đội đánh Thành Hán. Năm 347, ông diệt nước Thành Hán của người Tung.

Năm 351, ông lại tiến quân đánh Tiền Tần của Phù Kiện nhưng đường xa bị thiếu lương nên phải rút về.

Năm 354, Hoàn Ôn làm trấn thủ Kinh châu lại cất quân bắc phạt đánh Phù Kiện nước Tiền Tần. Nhân dân người Hán thấy quân của Hoàn Ôn đều mừng rỡ, mang rượu thịt ra đón, nhưng các địa chủ ở gần Trường An lại không có ai hoan nghênh. Hoàn Ôn lấy làm lạ. Hỏi ra ông mới biết rằng từ khi vào chiếm Trung Nguyên, các triều đình người Hồ đã dùng chính sách ưu đãi địa chủ người Hán, cất nhắc làm quan và cho miễn sưu dịch. Vì thế các địa chủ người Hán rất ủng hộ các triều đình Ngũ Hồ. Hoàn Ôn đóng quân thêm một thời gian nữa nhưng vẫn không thể kêu gọi được tầng lớp này. Ông đành phải rút quân về nam. Trong lần bắc phạt này Hoàn Ôn cũng đã cầu danh sĩ người Hán là Vương Mãnh ra giúp mình, nhưng Mãnh từ chối và quay sang giúp quý tộc Tiền Tần, người sau đó trở thành vua Tần là Phù Kiên[6].

Do mấy lần bắc phạt không thành, uy thế trong triều của Hoàn Ôn bị giảm sút. Họ Vương, họ Tạ nhân dịp ông già yếu, đã ngăn cản việc đoạt ngôi nhà Tấn của ông năm 372.

Đại chiến Phì Thuỷ

Hoàn Ôn mất, Tạ An nắm quyền. Tạ An tỏ ra là người mềm mỏng hơn Hoàn Ôn, không hiếp chế vua Tấn.

Lúc đó, Tần vương Phù Kiên thôn tính toàn bộ miền bắc, huy động 90 vạn quân gồm nhiều sắc tộc Hồ và cả người Hán đi đánh miền nam, bất chấp sự phản đối của nhiều văn thần. Phù Kiên chủ quan kiêu hãnh nói rằng, quân Tần chỉ cầm ném roi ngựa xuống Trường Giang là đủ lấp sông rồi.

Tướng tiên phong là Phù Dung được lệnh cầm 27 vạn quân tiên phong đi trước. Tạ An tiến cử cháu là Tạ Huyền với Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu làm tướng, mang 8 vạn quân ra đóng ở Lạc Giản đón quân Tiền Tần.

Khi hai bên sắp đối trận, Phù Kiên đã mắc sai lầm là tin tưởng vào hàng tướng người Hán của Đông Tấn mới hàng là Chu Tự, sai Tự đi dụ hàng Đông Tấn. Chu Tự còn nhớ Đông Tấn, nên mang hết tình hình Tiền Tần tiết lộ cho Tạ Huyền, khuyên nên chủ động đánh quân Tần trước khi đại quân 90 vạn kịp tập hợp đông đủ. Tự còn hẹn làm nội ứng cho quân Tấn.

Lúc đó Phù Dung đang án ngữ sông Phì. Tạ Huyền bèn sai người nói với Phù Dung xin quân Tần tạm rút để quân Tấn qua sông quyết chiến. Phù Kiên cũng muốn lợi dụng quân Tấn qua một nửa sẽ đánh úp nên đồng ý rút lui một đoạn.

Đúng hẹn, quân Tấn sang sông. Trong đêm tối, quân Tần đang chờ nghênh địch, Chu Tự cầm một cánh quân, bỗng hô to:

Quân Tần thua to rồi!

Quân Tần đa sắc tộc, vốn bị cưỡng bức ra trận cho Phù Kiên, nghe nói thua trận liền quay đầu nhất loạt bỏ chạy, tiên phong Phù Dung không thể ngăn lại được. Tạ Huyền thấy quân Tần chạy, thừa cơ thúc quân Tấn truy kích, giết chết rất nhiều. Phù Dung bị tử trận trong loạn quân.

Đó là trận Phì Thuỷ, lớn nhất thời Ngũ Hồ, quyết định cục diện nam bắc, cứu vãn sự tồn tại của nhà Tấn và làm suy yếu trầm trọng nước Tần. 90 vạn quân Tần đại bại bỏ chạy về phía bắc. Phù Kiên về tới Lạc Dương thu thập tàn quân chỉ còn mấy chục vạn.